Từ trợ lý ảo Make in Vietnam hỗ trợ chăm sóc khách hàng và phòng, chống dịch Covid-19

01/12/2021
Bên cạnh là một trợ lý ảo giúp tự động hoá việc chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp, Viettel Cyberbot còn là một chiến binh 4.0 trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Từ nền tảng chăm sóc khách hàng

Là một trong những nền tảng Make in Vietnam được Bộ TT&TT bảo trợ và giới thiệu nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Viettel Cyberbot là một trợ lý ảo của được phát triển bởi Trung tâm Không gian mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội phát triển với mục đích giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.

Nền tảng này hỗ trợ các doanh nghiệp tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ xử lý ngôn ngữ tiếng Việt theo 2 dạng: Tương tác với khách hàng bằng tin nhắn (Chatbot) hoặc bằng giọng nói (Callbot).

 Từ trợ lý ảo Make in Vietnam hỗ trợ chăm sóc khách hàng và phòng, chống dịch Covid-19

Trợ lý ảo tự động chăm sóc khách hàng - Ảnh minh hoạ

Viettel Cyberbot cho phép các doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề của một hệ thống tổng đài tự động như: Tương tác trực tiếp và ngay lập tức với từng khách hàng (tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng tự động 24/7); Tiếp cận khách hàng đa dạng trên các kênh: thoại viễn thông, website, mạng xã hội, ứng dụng mobile…

Ngoài ra, nền tảng này ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)để có thể hiểu được nội dung mà khách hàng muốn truyền tải trong quá trình giao tiếp và  Cyberbot có khả năng vượt trội về xử lý ngôn ngữ giúp giọng nói của Callbot đạt tới mức độ tự nhiên giống đến 95% giọng người thật.

Hiện tại, Viettel Cyberbot đang được ứng dụng rộng rãi trong các ngành nghề tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tối ưu được tới 40% nguồn lực chăm sóc khách hàng, đồng thời nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng.

Đến chiến binh 4.0 phòng, chống dịch Covid-19

Trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Viettel Cyberbot với ứng dụng Callbot đã tham gia vào cuộc chiến chống dịch cùng cả nước theo cách của một chiến binh 4.0. Thông tin cập nhật nhanh chóng, đồng bộ và chính xác, giảm bớt tổn thương tâm lý cho người dân nói chung, đặc biệt người dân vùng dịch.

Nền tảng trợ lý ảo này với ứng dụng Callbot và Chatbot tương tác hai chiều hoạt động như cổng thông tin hỏi đáp phục vụ người dân 24/7, được triển khai trong các cơ quan/ tổ chức chính quyền. Hậu Giang và Thanh Hoá là những tỉnh thành đi đầu trong cả nước ứng dụng tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công, hỗ trợ người dân.

Trong bối cảnh cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid – 19, việc khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Bluezone và phối hợp trả lời khi có cuộc gọi từ Tổng đài Ban Chỉ đạo Covid -19 sẽ giúp người dân kịp thời nhận được cảnh báo và hỗ trợ từ cơ quan y tế. Nhưng phương thức liên lạc bằng tổng đài truyền thống khó đáp ứng được quy mô phòng, chống dịch trên diện rộng.

Chính vì thế trợ lý ảo Viettel Cyberbot đã ứng dụng tính năng Callbot để gọi nhắc người dân cài đặt ứng dụng Bluezone. Trong đợt bùng phát dịch tại Hải Dương vào tháng 2 năm 2021, Callbot đã thực hiện hơn 900 nghìn cuộc gọi trong 14 ngày để vận động người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluzone. Số lượng cuộc gọi đã đạt 1.4 triệu chỉ trong 2 ngày trong đợt triển khai ứng dụng tại Bắc Ninh – Bắc Giang. Tạo hiệu ứng đồng bộ, phủ khắp 2 tỉnh đang là điểm nóng của Covid – 19.

Cyber- Callbot cũng trở thành tổng đài thông minh tiếp nhận cuộc gọi, giải đáp thông tin về các chỉ thị giãn cách Covid-19 một cách tự động, nhằm thông tin hỗ trợ kịp thời cho người dân, đồng thời nâng cao sự chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhiều thành phố và tỉnh thành như Hà Nội, Thái Bình,…

Ngoài ra trợ lý ảo này còn gọi tới bệnh nhân F0 Covid-19 nhắc nhở uống thuốc. Trong 14 ngày, tổng đài tự động của Viettel đã thực hiện hơn 10.000 cuộc gọi tới bệnh nhân F0 Covid-19 điều trị bằng thuốc Molnupiravir, đảm bảo không trường hợp nào bị sốt, dùng thuốc sai khung giờ hướng dẫn. Hệ thống có thể thu thập được 5200 triệu chứng của bệnh nhân chỉ với 4 câu hỏi được xây dựng theo nguyên tắc tính toán đặc biệt, giúp cung cấp thông tin cho các y bác sỹ làm hồ sơ nghiên cứu lâm sàng.

Hiện Viettel Cyberbot vẫn đang không ngừng cải tiến về công nghệ để phục vụ các doanh nghiệp, cũng như các cơ quan Nhà nước, Bộ, ngành… một cách tốt nhất trong thời gian tới.

Nguồn: ictnews.vietnamnet.vn

Tin Mới