Câu hỏi: Chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin khởi nghiệp, Sở TTTT đề xuất Bộ TTTT nghiên cứu các cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp để hình thành nên các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp.

16/11/2021 1:54:45 CH
Trả lời:

Về thể chế và cơ chế chính sách cho phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tiêu biểu như:

- Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2018 với các quy định thúc đẩy các nhóm cá nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

- Luật chuyển giao công nghệ với các quy định thúc đẩy các nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

- Nghị định số 38/2018/NĐ-CP năm 2018 bổ sung nội dung về thành lập, hoạt động và tổ chức quản lý của các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, và quy định về việc sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

- Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước và hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.

- Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 844/QĐ-TTg);

- Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Quyết định 939/QĐ-TTg);

- Đề án 1665 về Hỗ rợ học sinh, sinh viên đến năm 2025 (Quyết định 1665/QĐ-TTg);

Đối với các doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nói riêng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, đề xuất trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số trình Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong đó đề xuất một số các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cụ thể hơn trong giai đoạn tới, tiêu biểu như:

(i)         Ban hành lang pháp lý rõ ràng và chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn từ các cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức vào hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam;

(ii)        Xây dựng và áp dụng các khung thể chế thử nghiệm (regulatory sandbox) cho các ngành, nghề kinh doanh mới để tạo hành lang pháp lý cho sản phẩm, dịch vụ CNTT khởi nghiệp sáng tạo;

(iii)       Ban hành cơ chế khuyến khích sử dụng các Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, bên cạnh đó nghiên cứu cho phép thử nghiệm các nền tảng gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng, sàn cho vay ngang hàng,…

(iv)       Quy định về trách nhiệm quản lý; đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi (loại hình hoạt động, tiêu chí xác định, danh mục,…) bảo đảm ưu đãi trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ; các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm (khái niệm, tiêu chí, danh mục, ngân sách bảo đảm đầu tư, hình thức hỗ trợ đầu tư,…), và xem xét có ưu đãi đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng trở thành kỳ lân.

(v)        Các biện pháp đảm bảo khác như phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm tính toán hiệu năng cao,… hỗ trợ cho doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp sáng tạo.