TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KHU CNTT TẬP TRUNG TRÊN CẢ NƯỚC

 

Tại Việt Nam, trong hơn mười năm qua các khu CNTT tập trung đã được hình thành và phát triển với mục tiêu chiến lược được xác định là tạo ra năng lực nội sinh về khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hướng đi đúng đắn để tiếp cận được với kỷ nguyên công nghệ hiện đại, là mô hình tổ chức của nền kinh tế tri thức phù hợp với các nước đang phát triển. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước xác định phát triển các Khu CNTT tập trung là một định hướng chính để phát triển của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trong thời gian tới.  Định hướng này được thể hiện trong các đường lối chủ trương, chính sách như: Đảng và Nhà nước, xác định phát triển các Khu CNTT tập trung là một định hướng chính để phát triển của ngành CNTT  Việt Nam trong thời gian tới. Các định hướng trên được Đảng và Nhà nước thể hiện qua các Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và các văn kiện, chính sách khác của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 1755/QĐ-TTg  ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin và Truyền thông”.

Sự ra đời của các khu CNTT tập trung đã tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT hoạt động, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước - ngành công nghiệp CNTT. Khu CNTT tập trung cũng là vườn ươm cho doanh nghiệp mới phát triển, cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các Khu CNTT tập trung còn là những trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng cho cả nước nói chung và ngành CNTT nói riêng.

Trong những năm qua, với các chủ trương, ưu đãi của nhà nước, các khu CNTT tập trung tại Việt Nam bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Hiện có 06 khu CNTT tập trung hoạt động theo quy định tại Nghị định 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ quy định về khu CNTT tập trung trên phạm vi cả nước, bao gồm: 04 khu đang hoạt động là Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy; 03 khu đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng là Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội và Khu CNTT tập trung Tp Cần Thơ.

 

Một số kết quả cụ thể như sau:

 

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2018

2019

2020

2021

Số lượng các khu CNTT tập trung

Khu

04

04

05

06

Tổng quỹ đất

m2

915.015

915.015

2.225.015

2.425.015

Tổng diện tích văn phòng làm việc

m2

620.000

670.000

680.000

680.000

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu

Doanh nghiệp

845

870

800

830

Tổng số nhân lực đang làm việc trong các khu

Người

42.000

42.000

38.500

39.000

 

  • Tỷ lệ diện tích lấp đầy của các khu CNTT tập trung

Tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đang hoạt động trên cả nước đạt trên 95%, cao hơn so với khu công nghiệp (KCN). Tính đến hết tháng 6 năm 2018, cả nước có 325 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 95 nghìn ha, trong đó 231 KCN đã đi vào hoạt động và 94 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53%, riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 73%[1].

Theo báo cáo của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hiện nay một số doanh nghiệp lớn về lĩnh vực CNTT hoạt động trong khu đang có nhu cầu lớn về mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, do vậy rất cần thêm mặt bằng. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, các khu này đã không còn quỹ đất để đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng mới một số khu CNTT tập trung và mở rộng các khu đang hoạt động.

  • Hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Đối với 03 khu đang hoạt động được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước từ khi thành lập đến nay cho Công viên phần mềm Quang Trung là 230 tỷ VND, cho Khu CNTT tập trung Cầu Giấy là 31,4 tỷ VND và Công viên phần mềm Đà Nẵng là 162 tỷ VND. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị quản lý khu CNTT tập trung đã lớn hơn tổng nguồn vốn đầu tư. Tỷ lệ nộp ngân sách hàng năm so với nguồn vốn đầu tư là cao. Theo báo cáo năm 2018, Công viên phần mềm Quang Trung nộp 27 tỷ VND/230 tỷ VND tương đương tỷ lệ thu ngân sách/vốn đầu tư khoảng 12%; Công viên phần mềm Đà Nẵng nộp 14,36 tỷ VND/162 tỷ VND tương đương 9%; Khu CNTT tập trung Cầu Giấy 2 tỷ VND/31 tỷ VND tương đương 7%. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với khu công nghiệp chỉ khoảng từ 4-5%[2].

  • Hiệu suất sử dụng đất

Trong năm 2018, tổng doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Công viên phần mềm Quang Trung đạt 432 triệu USD trên diện tích toàn khu khoảng 43ha, tương đương doanh thu khoảng 10 triệu USD /ha/năm; Công viên phần mềm Đà Nẵng đạt gần 58 triệu USD với diện tích chỉ 1,08 ha, tương đương doanh thu khoảng 55 triệu USD/ha/năm (riêng đối với Khu CNTT tập trung Cầu Giấy chưa có số liệu báo cáo cụ thể). Số liệu này cho thấy hiệu quả sử dụng đất của khu CNTT tập trung rất cao so với các loại hình khu khác như khu công nghiệp, khu kinh tế với doanh thu chỉ khoảng 01 triệu USD/ha/năm (nếu không thống kê của số liệu của Samsung thì hiệu suất doanh thu/diện tích đất chỉ chưa đến 500.000 USD/ha/năm).

  • Năng suất lao động trong khu CNTT tập trung

Với cơ cấu lao động chủ yếu là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, năng suất lao động ở trong các khu CNTT tập trung cao hơn nhiều lần so với trung bình của cả nước. Năm 2018, Công viên phần mềm Đà Nẵng đạt năng suất lao động trung bình khoảng 540 triệu VND/năm và Công viên phần mềm Quang Trung khoảng 1,01 tỷ VND/năm so với mức 102 triệu VND/năm của năng suất lao động trung bình của cả nước[3].

Ngoài ra, thu nhập bình quân của người lao động trong các khu CNTT tập trung cũng cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Cụ thể: năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Công viên phần mềm Quang Trung đạt khoảng 20 triệu VND/tháng, gấp gần 04 lần so với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam (hơn 5 triệu VND/tháng), Công viên phần mềm Đà Nẵng đạt khoảng gần 16 triệu VND/tháng, gấp gần 03 lần so với trung bình của cả nước

 

[1] Báo cáo tình hình phát triển các KCN, KKT năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[2] Báo cáo triển vọng Bất động sản Khu công nghiệp năm 2017.

[3] Số liệu báo cáo năm 2018 của Tổng cục thống kê.