Tuần vừa qua, chủ đề vi mạch bán dẫn, một lần nữa được nhắc tới nhiều, nhất là khi các nước lớn về công nghệ bán dẫn liên tiếp tiết lộ thông tin về những chính sách ưu đãi "khủng", điển hình là Mỹ mới đấy đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính 52,7 tỷ USD để giành lại và củng cố vứng chắc vị thế thống trị ngành này. Đối với Việt Nam, một câu hỏi lớn đang được đặt ra là: Việt Nam đang có lợi thế gì và Việt Nam cần làm gì để phát triển ngành công nghiệp vi mạch?
Nguồn nhân lực trẻ có trình độ khá giỏi cộng với chi phí sinh hoạt lại thấp so với các nước phát triển xung quanh hiện vẫn được cho là một trong những lợi thế chính để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, trong đó có lĩnh vực vi mạch. Theo các báo cáo khảo sát lương ngành ICT của các tổ chức nhân sự uy tín ở Việt Nam, vi mạch đang thuộc nhóm có mức thu nhập khá cao trong lĩnh vực ICT, cụ thể mức lương khởi điểm trung bình của một kỹ sư vi mạch mới ra trường ước tính khoảng 600 - 800 USD/tháng. Mức lương trung bình với một kỹ sư 5 năm kinh nghiệm là khoảng 20.000 - 30.000 USD/năm. Như vậy so với các nước có nền vi mạch phát triển, mức lương khởi điểm của kỹ sư vi mạch Việt Nam vẫn còn một khoảng cách rất xa.
Nếu Việt Nam đi theo cách làm của các nước lớn về công nghệ bán dẫn với mục tiêu tự chủ toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất chip của riêng mình thì Việt Nam sẽ cần bỏ ra một sự đầu tư vô cùng lớn, vượt xa năng lực của Việt Nam hiện tại, ví dụ năng lực làm chủ các công đoạn trong sản xuất chip bán dẫn. Do đó, Việt Nam cần tìm ra một hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong bối cảnh lĩnh vực chip điện tử đang nóng lên trên toàn cầu, điều này sẽ khiến cho thị trường nhân lực hay nhu cầu tuyển dụng của các công ty vi mạch sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này để tập trung phát triển thế mạnh về đội ngũ thiết kế chip.
Hiện tại, việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch vẫn tập trung ở một số các trường đại học kỹ thuật đầu ngành. Các thầy cô giáo trong các trường đại học đã chủ động đưa các kiến thức cơ sở, nền tảng của lĩnh vực vi mạch vào các môn học, ví dụ, kỹ thuật mạch điện tử, thiết kế mạch số, thiết kế mạch tương tự, thiết kế VLSI ….
Tuy nhiên, đào tạo chính quy lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế, điều kiện để các bạn sinh viên có có hội tham gia các dự án gần với thực tế ngay còn khi học trong các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn khó khăn. Việt Nam cũng chưa xuất hiện các trung tâm đào tạo nghề chuyên nghiệp, do đó các bạn sinh viên mới ra trường thường sẽ phải trải qua quá trình đào tạo kỹ năng chuyên môn cơ bản trước khi có thể độc lập đảm nhận công việc trong các công ty thiết kế chip.
Để giải quyết vấn đề này, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip đã chủ động liên lạc với các trường Đại học ở Việt Nam để phối hợp giảng dạy các môn học chuyên ngành thiết kế vi mạch từ năm học thứ 3, thứ 4. Hay như một ví dụ khác, công ty CoAsia SEMI Vietnam, ngoài việc kết hợp chặt chẽ với các trường Đại học, đã đều đặn tổ chức các khóa học miễn phí "Chip Design Fundamental" trong hơn một năm qua, kết quả là công ty đã tổ chức được 5 khóa học với tổng cộng 100 sinh viên được đào tạo các khái niệm cơ bản về thiết kế chip. Đặc biệt, khóa học cũng mời các chuyên gia độc lập từ Cộng đồng kỹ sư vi mạch tới chia sẻ, việc này giúp mở rộng kiến thức chuyên môn cũng như tăng cường cơ hội tương tác giữa cộng đồng kỹ sư thiết kế chip và với các bạn sinh viên. Các mô hình tương tự ngày càng được đón nhận, hưởng ứng và nhân rộng trong cộng đồng.
Cấu trúc khóa đào tạo miễn phí "Chip Design Fundamental" với các bài giảng lý thuyết, bài nói chuyện chuyên gia và các bài lab thực hành. (Nguồn: Công ty CoAsia SEMI Vietnam)
CoAsia SEMI Vietnam tư vấn định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong buổi lễ bảo vệ tốt nghiệp
Các doanh nghiệp chủ động tương tác định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên từ sớm, cùng với việc tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động của Cộng đồng các kỹ sư thiết kế vi mạch trong các hoạt động gắn kết doanh nghiệp và nhà trường rất có thể là lời giải để Việt Nam có thể chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận, đảm bảo cho thị trường nhân lực kỹ sư thiết kế chip phát triển lành mạnh và bền vững ./.
Nguồn: ictvietnam.vn