Hội thảo Đánh giá tình hình ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ phát triển Chính quyền số tại thành phố Huế và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số

18/04/2025
Ngày 18/4/2025, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Huế phối hợp tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ phát triển Chính quyền số tại thành phố Huế và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có đồng chí Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, cùng các cán bộ, chuyên viên của Cục. Về phía thành phố Huế có đồng chí Hồ Thắng – Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận thành ủy Huế, đồng chí Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN, cùng các đại diện các Sở, ngành, UBND các cấp, Hội Hiệp hội. Cùng dự có đại diện các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam: Tập đoàn FPT, Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT Huế, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Công ty Cổ phần MISA,..

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ KH&CN cho biết, Hội thảo là dịp để trao đổi, lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đồng thời đánh giá việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ phát triển Chính quyền số tại thành phố Huế trong thời gian qua; và đặc biệt thông qua Hội thảo sẽ tăng cường việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam giới thiệu các sản phẩm, nền tảng công nghệ số đến thành phố Huế để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số các lĩnh vực ưu tiên tại địa phương hiệu quả hơn, nhanh hơn.

Đồng chí Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh, chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số không chỉ là một chủ trương lớn mà còn là một cuộc cách mạng sâu rộng, chạm đến mọi lĩnh vực trong đời sống. Với Huế - một đô thị di sản, văn hóa thì chuyển đổi số càng mang ý nghĩa đặc biệt: không chỉ để hiện đại hóa quản trị công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân mà còn là cách để chúng ta bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử một cách sống động, hiệu quả và bền vững trong thời đại số.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết liệt đạt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền; đến năm 2030 hình thành đô thị thông minh, xã hội số toàn diện, thành phố Huế đã triển khai mạnh mẽ nhiều chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong mọi mặt của đời sống xã hội và đạt hiệu quả tích cực.

Nhiều năm qua, thành phố Huế đã tiên phong trong triển khai Chính quyền số, được xếp trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số chuyển đổi số DTI; Top tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số; Ứng dụng Hue-S đã đạt giải “Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019, nền tảng dịch vụ Đô thị thông minh Hue-S đã xuất sắc được công nhận “Giải thưởng Sao Khuê năm 2021” trong các lĩnh vực nền tảng Chuyển đổi số; Công ty cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế được vinh danh và bình chọn là Top Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công giải pháp công nghệ công nghiệp 4.0,...

 Các nền tảng số như Hue-S, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, dữ liệu mở, bản đồ số, nền tảng học trực tuyến, báo cáo số, trợ lý ảo... không chỉ là những công cụ kỹ thuật, mà thực sự đã trở thành “hạ tầng mềm” giúp người dân tương tác thuận tiện với chính quyền, giúp các cơ quan quản lý vận hành hiệu quả hơn, minh bạch hơn.

Một tín hiệu tích cực gần đây Huế đang có những mô hình chuyển toàn bộ hoạt động quản lý hành chính nhà nước lên không gian số. Nền tảng làm việc số với mô hình tích hợp lại tất cả các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử, mô hình hơn 33 quy trình số đã tạo ra một nền tảng thống nhất trong hoạt quản lý nhà nước, thực thi công vụ của công chức, viên chức trên một nền tảng thống nhất bao gồm (Quản lý công việc, văn bản, lịch công tác, xử lý dịch vụ công, xử lý phản ánh hiện trường, mạng lưới phát ngôn, nhận góp ý người dân, trả lời câu hỏi người dân; họp không giấy tờ .v.v.). Đây là một bước chuẩn bị cho việc chuyển toàn bộ hoạt động quản lý hành chính nhà nước của thành phố Huế lên không gian số từ tháng 7/2025.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin lên trình bày khái quát nội dung Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số 

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Hưng – đại diện Cục Công nghiệp công nghệ thông tin đã trình bày khái quát nội dung Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, nhấn mạnh vai trò của luật trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, khu công nghiệp công nghệ số tập trung, dữ liệu số, nhân lực số, và các cơ chế ưu đãi đầu tư. Đồng chí mong muốn nhận được nhiều góp ý từ địa phương, cơ quan quản lý và doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo theo hướng thiết thực, khả thi.

Thông qua Hội thảo, đại biểu đã được nghe diễn giả trình bày tham luận với các chủ đề “Đánh giá tình hình ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ phát triển Chính phủ số tại thành phố Huế”, “Tình hình triển khai ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ phát triển ngành nông nghiệp thành phố Huế”, “Tình hình triển khai ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ phát triển ngành du lịch thành phố Huế”, “Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển chính phủ số tại thành phố Huế”,... cũng như trao đổi, thảo luận góp ý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết ghi nhớ hỗ trợ triển khai điểm các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số giữa Sở KH&CN thành phố Huế và MobiFone Huế, Công ty VTI Solutions.

Lễ ký kết ghi nhớ giữa Sở KH&CN thành phố Huế và MobiFone Huế, Công ty VTI Solutions

Một số hình ảnh buổi hội thảo:

GSTTM&TT-IOC

Tin Mới