Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT-TT, đại diện gần 40 cơ sở đào tạo đại học ngành CNTT-TT khu vực phía Bắc và đại diện doanh nghiệp công nghệ số.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS Nguyễn Thanh Thủy, nhấn mạnh: “Cần phải đào tạo đội ngũ kỹ sư, cử nhân, chuyên viên được trang bị đầy đủ và cập nhật thường xuyên những tri thức, kiến thức, kỹ năng hiện đại; cùng với đạo đức nghề nghiệp, tác phong chuyên nghiệp, các kỹ năng mềm; giỏi ngoại ngữ, làm chủ được công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam, công nghệ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT-TT, Công nghệ số ngày càng phong phú.”
TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho rằng nhu cầu nhân lực CNTT tại Việt Nam có sự biến động liên tục, khó dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực CNTT trên thị trường lao động. Tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cải thiện nhanh chất lượng NNL CNTT nhằm bắt kịp cũng như tận dụng tốt những cơ hội phát triển từ CMCN 4.0
Theo đại diện Lãnh đạo Navigos Việt Nam, Bà Nguyễn thị Thu Giang thông tin: Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng đảo chiều sau giai đoạn bùng nổ tuyển dụng IT. Cụ thể, CNTT là 1 trong 3 ngành giảm nhân sự nhanh nhất 3 năm qua, với mức 23% . Doanh nghiệp ở TP HCM có tỷ lệ cắt giảm nhân sự ngành này cao nhất (22,2%), trong khi 14,7% doanh nghiệp ở Hà Nội giảm lương, thưởng. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Quan hệ Khách hàng, Udemy Business tại Việt Nam chia sẻ về xu hướng nâng cấp kỹ năng CNTT cho nhân lực và vấn đề đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp trong bối cảnh yêu cầu, đòi hỏi của công việc trong kỷ nguyên số.
Hội thảo có sự tham gia trình bày của PGS.TS Nhà giáo nhân dân Hồ Sỹ Đàm về giải pháp tạo nguồn cho đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Theo PGS.TS Hồ Sỹ Đàm, Việt Nam cần chú trọng tạo nguồn tuyển sinh, chú trọng nguồn tuyển dụng Giảng viên, cần tập trung đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số và CMCN 4.0.
Trước những cơ hội và thách thức đối với đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn – vi mạch, TS. Nguyễn Minh Sơn Trưởng Khoa Khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có những kiến nghị Chính phủ cân có chiến lược dài hạn tầm 20 năm cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn, ít nhất cũng 10 năm cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch phục vụ cho ngành Công nghiệp vi mạch.
Các diễn giả đến từ các trường đại học lớn: Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Đại học Thái Nguyên; Đại học CMC và Viện Công nghệ và Đào tạo MISA chia sẻ nhiều giải pháp đào tạo cho sinh viên ngành IT mới ra trường, phát triển chương trình đào tạo, đào tạo, đào tạo lại các công nghệ mới nổi như AR/VR/Metaverse, AI…
Những chia sẻ tâm huyết, bài trình bày có chất lượng của các diễn giả sẽ được tiếp thu, tổng hợp để nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác trong lĩnh vực để sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục đại học và ngành công nghiệp công nghệ số ngày càng bền chặt.
Trang Chu