TOÀN CẢNH VỀ CÔNG NGHIỆP ICT VÀ LỜI KÊU GỌI CÁC SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC, CÁN BỘ KHOA HỌC TRẺ
I. Tổng quan chung
Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền (CNICT) là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, bao gồm: công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin. Đây là một trong những lĩnh vực ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua, Từ 103 tỷ USD năm 2018, doanh thu đã tăng lên hơn 124,67 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 152 tỷ USD vào năm 2024, với mức tăng trưởng hàng năm dao động từ 8 đến 12%. Đến năm 2030, ngành này có thể đạt doanh thu lên tới 250 tỷ USD, đóng góp từ 12 đến 15% vào GDP cả nước. Trong tổng số 54.540 doanh nghiệp công nghệ số, đã có hơn 1.500 doanh nghiệp thành công trên thị trường quốc tế, mang về hơn 7,5 tỷ USD và tạo ra trên 1,5 triệu việc làm.
Theo đó, Cục CNICT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và quản lý sự phát triển bền vững của ngành, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Mục tiêu và định hướng trọng tâm
Cục CNICT được thành lập trên cơ sở về một khát vọng mang công nghệ số tới mọi ngõ ngách của cuộc sống, sử dụng công nghệ số để làm cho Việt Nam phát triển, trở thành động lực quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
Trong đó, xác định phát triển công nghiệp công nghệ số trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế số, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để làm được những điều nêu trên, Cục CNICT xác định hành lang pháp lý là trụ cột chính để công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, trọng tâm là việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và thực hiện Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tưởng Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
II. Nhu cầu từ thực tiễn
Trước tình hình chính trị thế giới vẫn tiếp tục diễn biến bất ổn, khó lường, đồng thời sự trỗi dậy của các công nghệ mới nổi đang làm thay đổi thế giới theo cách chưa từng có trước đây. Điều đó đặt ra các bài toán trong công tác quản lý nhà nước của lĩnh vực ngày trở nên khó khăn và thách thức.
Với các xu hướng dịch chuyển của thế giới, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội to lớn để trở mình thành quốc gia phát triển, đạt mục tiêu to lớn về một quốc gia phát triển hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số không chỉ trở thành nền công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế mà còn là bước đi mang tính chiến lược để nâng cao tự chủ, tầm vóc ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Đóng góp và xây dựng cho một kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
III. Lời kêu gọi
Với các mục tiêu và thách thức như đã nêu trên, thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục CNICT) trân trọng kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là công dân Việt Nam trên toàn quốc tham gia ứng tuyển vào các vị trí công chức của Cục CNICT, việc xác định sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thực hiện theo Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ, theo các tiêu chí sau:
1. Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông;
b) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học;
c) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Ô-lim-pích thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
2. Người có trình độ thạc sĩ quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Đạt tiêu chuẩn quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này;
b) Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên và có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học.
3. Người có trình độ tiến sĩ trong độ tuổi theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.
Bên cạnh đó, các quyền lợi đối với các sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ như sau:
- Tổng mức lương đối với các sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được hưởng gấp 02 lần so với công chức thi tuyển thông thường;
- Được hưởng phụ cấp công vụ 25% (của lương cơ bản) đối với tất cả công chức;
- Được hưởng mức bù thu nhập tăng thêm, sẽ chi vào mỗi cuối quý tùy theo tình hình ngân sách (nếu đơn vị cân đối được nguồn);
- Ưu tiên thi nâng ngạch chuyên viên chính sau 03 năm công tác tại vị trí, đối với các công chức qua thi tuyển thời gian thi chuyên viên chính là 9 năm;
- Ưu tiên bồi dưỡng, xem xét, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý;
- Ưu tiên xem xét, nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và các khoá học đào tạo ngắn hạn khác tại các trường hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
4. Ngoài các điều kiện để tham gia xét tuyển tại Điều 1, 2 nêu trên, người có đủ các điều kiện sau đây, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
- Đủ 18 tuổi trở lên;
- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
- Đủ sức khoẻ để thực hiện nghĩa vụ.
Các thông tin về điều kiện cụ thể, bộ hồ sơ xét tuyển v.v tại Thông báo số 293/TB-BTTTT ngày 16/10/2024 gửi kèm theo, thời gian chậm nhất hồ sơ dự tuyển trong ngày 16/11/2024.
Trở thành công chức của Cục CNICT sẽ mang đến cơ hội cho các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và các cán bộ khoa học trẻ cơ hội được thử thách, trao dồi, nâng cao kỹ năng cá nhân và trên hết đó chính là cơ hội được cống hiến và bảo vệ tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để biết thêm chi tiết về công việc và ứng tuyển trực tiếp vui lòng liên hệ: Ông Nguyễn Sỹ Hiển - Chuyên viên Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, số điện thoại: 0923585555, email: hienns@mic.gov.vn./.
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
CỤC CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
VÀ TRUYỀN THÔNG